Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Đây cũng là những chính sách tạo cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021.
Nêu tại báo cáo thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) quý IV và cả năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2020 đánh dấu nhiều khó khăn với kinh tế thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng bão, lũ, lụt ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh khu vực miền Trung.
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách từ một số luật và nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS
Ngay từ đầu năm, Chính phủ và các Bộ ngành đã khẩn trương nghiên cứu để ban hành nhanh chóng, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách để giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển nền kinh tế nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng. Tháng 3/2020, Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ đã giao các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương bổ sung, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và nghiên cứu hoàn thiện chính sách để đẩy mạnh hơn nữa về phát triển nhà ở xã hội.
Có thể nói, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS.
Luật xây dựng sửa đổi 2020
Tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14), với nhiều điểm mới. Như bổ sung công trình được miễn giấy phép (Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020). Theo đó, công trình quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;…được miễn giấy phép;
Thời gian cấp giấy phép được rút ngắn 10 ngày so với quy định Luật Xây dựng năm 2014 (điểm b Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) chỉ còn trong 20 ngày.
Cùng với đó là bỏ quy định về đủ vốn khi khởi công xây dựng (Khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020) không còn quy định điều kiện về bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;
Quy định cụ thể một số dự án phải đánh giá tác động môi trường (Khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020). Luật mới đã bổ sung quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi lập dự án đầu tư xây dựng;
Tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng (điểm c Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 2020). Theo đó UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt thay vì Bộ Xây dựng như quy định trước đây (Lưu ý: Thẩm quyền của UBND cấp tỉnh về việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020).
Luật Đầu tư 2020
Cũng tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 (Luật số 61/2020/QH14) với nhiều điểm mới. Có thể kể đến như việc thống nhất việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị, dự án bất động sản thực hiện theo trình tự thủ tục của pháp luật về đầu tư;
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,…và kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi) đã đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, BĐS…
Nghị định số 25/2020/NĐ-CP
Ngày 20/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu, trong đó đã tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay của các dự án bất động sản về thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án bất động sản.
Nghị định số 68/2020/NĐ-CP
Ngày 24/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP
Ngày 18/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, với nhiều quy định mới như quy định cơ chế xử lý đối với các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án nhà ở;
Quy định cơ chế xử lý đối với trường hợp mua tài sản gắn liền với đất, trong đó có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng để thực hiện dự án đầu tư và quy định thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp này;
Quy định về giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định cơ chế giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý;
Bên cạnh đó là quy định khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền và quy định chặt chẽ điều kiện phân lô, bán nền dự án nhà ở; Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng phân lô, bán nền…
Bộ Xây dựng cũng cho biết để tiếp tục hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS hiện Bộ đang tích cực hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới một số cơ chế, chính sách quan trọng: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp tạo cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định.